Thăm dò ý kiến
  • Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
TỔNG SỐ LƯỢT TRUY CẬP
 Bản in     Gởi bài viết  
Lương tối thiểu của cán bộ, nhân viên 70 năm trước và các lần cải cách tiền lương trong lịch sử 

    Chiều ngày 25/6/2024, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày báo cáo các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết trong quá trình triển khai, xây dựng 6 nội dung cụ thể về cải cách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết số 27 năm 2018 của Trung ương Đảng. Theo đó, Chính phủ đề xuất trong thời gian chưa đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương thì giao Chính phủ thực hiện tăng lương, điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 1-7. (trích từ nguồn https://moha.gov.vn/tin-tuc---su-kien/tin-tong-hop/chinh-phu-trinh-de-xuat-tang-luong-co-so-luong-huu-d611-t56141.html)

 

    Đây là một trong những vấn đề mà được nhân dân, xã hội và đặc biệc là cán bộ công nhân viên, người lao động hết sức quan tâm. Để hiểu rỏ hơn chúng ta quay ngược thời gian xem lại quá trình lương qua gần 70 năm qua tài liệu lưu trữ.

 

    Trước lần cải tiến lương lần thứ nhất năm 1960, ngày 30/12/1955 Thủ Tướng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành Nghị đinh số 650-TTg quy định Thang bảng lương, mức lương thấp nhất và cao nhất, Các mức lương và thang lương riêng của Công nhân, của cán bộ và nhân viên kỹ thuật, cũng như phụ cấp khu vực. Theo Nghị định quy định về Thang bảng lương có 04 Thang bảng lương:

 

    Thang lương gồm 17 bậc để xếp cho tất cả cán bộ dân cử từ bậc 13 đến bậc 1, cán bộ và nhân viên hành chính cơ quan từ bậc 17 đến bậc 6.

 

    Thang lương 11 bậc để xếp cho tất cả cán bộ và nhân viên kỹ thuật làm công tác kỹ thuật ơ ở các cơ quan, xí nghiệp Chính phủ và doanh nghiệp quốc gia.

 

    Thang lương 8 bậc để xếp cho tất cả công nhân ở các xí nghiệp Chính phủ, doanh nghiệp quốc gia và ở các cơ quan.

 

    Thang lương 6 bậc để xếp cho các lao động thường ở các xí nghiệp Chính phủ và doanh nghiệp quốc gia.

 

    Về mức lương thấp nhất và cao nhất: Lướng thấp nhất định là 26.000 đồng một tháng. Cao nhất thang lương 17 bậc là gấp 6,15 lần, thang lương 11 bậc là 3,0 lần, thang lương 8 bậc là 2,10 lần, thang lương 6 bậc là 1,4 lần lương thấp nhất. Ngoài ra Nghị định cũng đã quy định thứ tự quan trọng và tính chất nghề nghiệp để chia ra 5 loại và cũng căn cứ vào tính chất và quy mô sản xuất để chia ra các hạng xí nghiệp. Bên cạnh Nghị định quy định rõ mức phụ cấp khu vực Thủ đô được tính 5,8% lương bản thân, đồng thời Chính phủ giao Bộ Lao động, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính quy định chi tiết thi hành nghị định.

 

 

Nghị đinh số 650-TTg ngày 30/12/1955 Thủ Tướng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định Thang bảng lương mức lương thấp nhất và cao nhất, Các mức lương và thang lương riêng của Công nhân, của cán bộ và nhân viên kỹ thuật, cũng như phụ cấp khu vực

 
    Đến năm 1959 để phân phối lại thu nhập Chính phủ đã đổi đồng tiền do Ngân hàng quốc gia phát hành với tỉ lệ 1.000 đồng cũ đổi 1 đồng mới. Với mệnh giá đồng tiền lúc này thay đổi do đó tiền lương của cán bộ công nhân viên chức người lao động từ lúc này cũng có sự thay đổi. 
 
    Ngày 5/7/1960, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định 25/CP quy định chế độ lương thuộc khu vực hành chính sự nghiệp đây được xem là lần cải cách tiền tương lần thứ 1.
 
    Nghị định ấn định chế độ lương chức vụ của cán bộ, viên chức công tác ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp theo các nguyên tắc: Mức lương của cán bộ lãnh đạo nói chung cao hơn mức lương của cán bộ, nhân viên bị lãnh đạo; Mức lương của chức vụ có yêu cầu cao về kỹ thuật, nghiệp vụ, cao hơn mức lương của chức vụ mà kỹ thuật, nghiệp vụ đơn giản hơn; Mức lương của lao động trong điều kiện khó khăn, hại sức khỏe, cao hơn mức lương của lao động trong điều kiện bình thường.
 
    Nghị định quy định, Lương chức vụ của cán bộ, viên chức ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp gồm ba hệ thống ghi trên ba bảng lương ban hành kèm theo nghị định này:
 
    Bảng A: Bảng lương chưc vụ của cán bộ lãnh đạo trong bộ máy hành chính từ cấp trung ương đến cấp huyện, cán bộ phụ trách các cơ quan chuyên môn và các cơ quan sự nghiệp;
 
    Bảng B: Bảng lương chức vụ của cán bộ, viên chức nghiệp vụ, kỹ thuật, khoa học;
 
    Bảng C: Bảng lương chức vụ của nhân viên làm công tác hành chính, quản trị, phục vụ.
 
    Theo Nghị định quy định mức lương tối thiểu là 27đồng 30. Với mức lương tối thiểu này thì lương cán bộ viên chức giai đoạn này phần đông chỉ nằm con số chục đồng.
 
    Sau đây là một số tài liệu minh họa về tiền lương của cán bộ công nhân viên chức người lao động thời bấy giờ cách đây hơn 50 năm trước hiện đang bảo quản và lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh:
 
 
Kế hoạch bổ túc nghề nghiệp và khảo sát nâng bậc lương công nhân sản xuất của Ty Bưu Điện năm 1974
 
 
Quyết định điều chỉnh lương của Ty Lao động Quảng Bình năm 1972 cho cán bộ công nhân viên của ngành Y tế
 
 
Quyết định chuẩn y lương cấp bậc Chủ tịch UBHC huyện Minh Hóa tỉnh Quảng Bình năm 1974 cho công nhận đội kiến thiết cơ bản 
 
    Lần thứ  2
 
    Nghị định số 235-HĐBT ngày 18/9/1985 quy định về cải tiến chế độ tiền lương của công nhân, viên chức và các lực lượng vũ trang. Theo Nghị định mức lương tối thiểu là 220 đồng một tháng
 
    Thang bảng lương cho công nhân sản xuất Thang bảng lương 7 bậc, bội số 1,45; Thang lương 7 bậc, bội số 1,40; Thang lương 6 bậc, bội số 1,40; Thang lương 6 bậc, bội số 1,36; Thang lương 6 bậc, bội số 1,32.
 
    Thang bảng lương cho công nhân, viên chức trực tiếp sản xuất, kinh doanh gồm 15 bảng lương: Bảng lương công nhân sản xuất điện; công nhân, viên chức tàu vận tải biển; hoa tiêu biển; công nhân, viên chức tàu vận tải sông; viên chức nhà ga xe lửa; công nhân lái xe lửa; công nhân lái xe ô tô vận tải hàng hoá; công nhân lái xe ô tô hành khách; công nhân lái xe ô tô con; công nhân lái tàu điện; công nhân, viên chức tàu công trình; công nhân, viên chức tàu đánh cá biển; công nhân , viên chức tàu vận chuyển và thu mua cá trên biển; công nhân, viên chức tàu thuyền đánh cá sông, hồ; công nhân lặn.
 
    Các Bảng lương chức vụ cho cán bộ quản lý liên hiệp các xí nghiệp: 1- Bảng lương chức vụ cho cán bộ quản lý liên hiệp các xí nghiệp và xí nghiệp ngành khai khoáng. 2- Bảng lương chức vụ cho cán bộ quản lý liên hiệp các xí nghiệp và xí nghiệp các ngành công nghiệp cơ khí, điện, hoá chất, vật liệu xây dựng. 3- Bảng lương chức vụ cho cán bộ quản lý liên hiệp các xí nghiệp và xí nghiệp các ngành xây dựng cơ bản, vận tải, đánh bắt thuỷ sản, khai thác lâm sản, địa chất, dầu khí, đo đạc bản đồ. 4- Bảng lương chức vụ cho cán bộ quản lý liên hiệp các xí nghiệp và xí nghiệp các ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp dược phẩm. 5- Bảng lương chức vụ cho cán bộ quản lý liên hiệp các xí nghiệp và xí nghiệp ngành nông nghiệp và trồng rừng. 6- Bảng lương chức vụ cho cán bộ quản lý liên hiệp các xí nghiệp, tổng công ty, công ty, xí nghiệp các ngành thương nghiệp, dịch vụ (bao gồm cả khách sạn, cửa hàng ăn uống, hiệu thuốc, hiệu sách).
 
    Bảng lương chức vụ cho cán bộ viên chức các tổ chức sự nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước: 1- Bảng lương chức vụ cho cán bộ, viên chức làm công tác khoa học, kỹ thuật, chính trị, kinh tế, y tế, giáo dục, văn hoá, nghệ thuật, pháp chế, quan hệ quốc tế. 2- Bảng lương chức vụ cho cán bộ, viên chức thực hành kỹ thuật, nghiệp vụ, hành chính và phục vụ.3- Bảng lương chức vụ cho cán bộ lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến huyện.
 
    Các bảng lương cho cán bộ chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nữa vũ trang:1- Bảng lương của sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp Quân đội nhân dân.2- Bảng phụ cấp quân hàm của hạ sĩ quan và binh sĩ Quân đội nhân dân.3- Bảng lương của sĩ quan và hạ sĩ quan Công an nhân dân.4- Bảng lương cuả cán bộ, viên chức ngành Hải quan.
 
    Ngoài lương cấp bậc hoặc lương chức vụ, công nhân, viên chức và các lực lượng vũ trang còn được hưởng một số phụ cấp tính theo tỷ lệ trên lương cấp bậc hoặc lương chức vụ như sau: 1- Phụ cấp khu vực: 2- Phụ cấp chênh lệch giá sinh hoạt theo vùng: 3- Phụ cấp thâm niên đặc biệt : 4- Phụ cấp thâm niên vượt khung. 5- Phụ cấp ưu đãi:6- Phụ cấp chiến đấu: 7- Phụ cấp độc hại, khó khăn nguy hiểm: 8- Phụ cấp lưu động: 9- Phụ cấp trách nhiệm: 10- Phụ cấp thu hút về cở sở sản xuất. 11- Phụ cấp làm thêm giờ ; 12- Phụ cấp làm đêm: 
 
    Phụ cấp sinh hoạt phí hàng tháng đối với cán bộ xã, phường, thị trấn Trưởng thôn, trưởng bản ở các huyện biên giới Việt - Trung 
 
    Lần thứ  3
 
    Nghị định số 25-CP của Chính phủ ban hành ngày 23/5/1993 quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính - sự nghiệp và lực lượng vũ trang. Mức lương tối thiểu là 120 đồng/tháng.
 
    Ban hành kèm theo Nghị định này các hệ thống bảng lương sau:
 
    1- Bảng lương chức vụ dân cử quản lý Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện.
 
    2- Hệ thống bảng lương các ngạch công chức, viên chức và phụ cấp chức vụ lãnh đạo khu vực hành chính, sự nghiệp.
 
    3- Hệ thống Bảng lương ữi quan và quân nhân chuyên nghiệp, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp hạ sĩ quan và binh sĩ của lực lượng vũ trang.
 
    4- Bảng lương chuyên gia cao cấp gồm 03 bậc có hệ số mức lương 7,5; 8,0 và 8,5 áp dụng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế hành chính, khoa học kỹ thuật, giáo dục, y tế, văn hóa nghệ thuật.
 
    Ngoài hệ thống bảng lương, nghị định còn quy định các khoản phụ cấp sau: Phụ cấp khu vực; Phụ cấp độc hại nguy hiểm; Phụ cấp trách nhiệm; Phụ cấp làm đêm; Phụ cấp thu hút; Phụ cấp đắt đỏ; Phụ cấp lưu động. Đối với lực lượng vũ trang có thêm phụ cấp thâm niên; phụ cấp phục vụ quốc phòng an ninh.
 
    Lần thứ 4
 
    Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 203/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về mức lương tối thiểu chung là 290.000 đồng/tháng. Nghị định quy định 7 bảng lương sau:
 
    Bảng 1: Bảng lương chuyên gia cao cấp.
 
    Bảng 2: Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước (bao gồm cả cán bộ giữ chức danh do bầu cử thuộc diện xếp lương theo ngạch, bậc công chức hành chính và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và công chức ở xã, phường, thị trấn).
 
    Bảng 3: Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.
 
    Bảng 4: Bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.
 
    Bảng 5: Bảng lương cán bộ chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
 
    Bảng 6: Bảng lương cấp bậc quân hàm sĩ quan quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân.
 
    Bảng 7: Bảng lương quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân và chuyên môn kỹ thuật thuộc công an nhân dân.
 
    Người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu, tuỳ theo từng đối tượng được xếp lương theo bảng lương cấp bậc quân hàm sĩ quan quân đội nhân dân (bảng 6) với mức lương cao nhất bằng mức lương của cấp bậc quân hàm Thiếu tướng (trừ sĩ quan quân đội nhân dân và sĩ quan công an nhân dân được điều động, biệt phái) và bảng lương quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân (bảng 7).
 
    Công nhân làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang và tổ chức cơ yếu áp dụng thang lương, bảng lương quy định trong các công ty nhà nước.
 
    Ngoài 07 Bảng lương trên Nghị định quy định 02 Bảng Phụ cấp và các phụ cấp sau: 1. Bảng phụ cấp quân hàm hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân; 2. Bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân.
 
    Các chế độ phụ cấp lương gồm: 1. Phụ cấp thâm niên vượt khung; 2. Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo; 3. Phụ cấp khu vực; 4. Phụ cấp đặc biệt; 5. Phụ cấp thu hút; 6. Phụ cấp lưu động; 7. Phụ cấp độc hại, nguy hiểm; 8. Các chế độ phụ cấp đặc thù theo nghề hoặc công việc: Phụ cấp thâm niên nghề, Phụ cấp ưu đãi theo nghề, Phụ cấp trách nhiệm theo nghề, Phụ cấp trách nhiệm công việc, Phụ cấp phục vụ quốc phòng, an ninh. 
 
    Từ 01/10/2005 nâng mức lương cơ sở lên 350.000 đồng/tháng  theo Nghị định 118/2005/NĐ-CP. 
 
     Từ 01/10/2006  nâng mức lương cơ sở lên 450.000 đồng/tháng theo Nghị định 94/2006/NĐ-CP.
 
    Từ 01/01/2008 nâng mức lương cơ sở lên 540.000 đồng/tháng theo Nghị định 166/2007/NĐ-CP. 
 
    Từ 01/5/2009 nâng mức lương cơ sở lên 650.000 đồng/tháng theo Nghị định 33/2009/NĐ-CP.
 
    Từ 01/5/2010 nâng mức lương cơ sở lên 730.000 đồng/tháng theo Nghị định 28/2010/NĐ-CP.
 
    Từ 01/5/2011 nâng mức lương cơ sở lên 830.000 đồng/tháng theo Nghị định 22/2011/NĐ-CP.
 
    Từ 01/5/2012 nâng mức lương cơ sở lên 1.050.000 đồng/tháng theo Nghị định 31/2012/NĐ-CP.
 
    Từ 01/7/2013 nâng mức lương cơ sở lên 1.150.000 đồng/tháng theo Nghị định 66/2013/NĐ-CP. 
 
    Từ 01/5/2016 nâng mức lương cơ sở lên 1.210.000 đồng/tháng theo Nghị định 47/2016/NĐ-CP.
 
    Từ 01/7/2017 nâng mức lương cơ sở lên 1.300.000 đồng/tháng theo Nghị định 47/2017/NĐ-CP.
 
    Từ 01/7/2018 nâng mức lương cơ sở lên 1.390.000 đồng/tháng theo Nghị định 72/2018/NĐ-CP.
 
    Từ 01/7/2019 nâng mức lương cơ sở lên 1.490.000 đồng/tháng theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP.
 
    Từ 01/7/2023 nâng mức lương cơ sở lên 1.800.000 đồng/tháng theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP.
 
    Bên cạnh các quy định về mức lương cơ sở Chính phủ còn quy định nhiều chính sách khác như lương tối thiểu vùng, các phụ cấp công vụ, phụ cấp công tác đảng, đặc thù… khác.
 
    Từ 1/7/2024 theo đề xuất của Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%). Có thể nói vấn đề về tiền lương là một trong những vấn đề hết sức quan trọng nó tác động lớn đến xã hội đời sống nhân dân và đặc biệc tác động trực tiếp là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Do đó cần phải xem xét đến tác động chung, thận trọng, đảm bảo công bằng, hợp lý, hài hòa, ổn định./.
 
Tân Dân
[Trở về]